gửi bởi victorytoc » Thứ 4 15/12/10 3:58
6- Đơn cảm giác và nhu cầu cảm giác tổng thể:
- Đơn cảm giác: Tên này tự đặt, hiểu nghĩa là thế này ạ: Các cảm giác cảm nhận được trong và/hoặc sau khi luyện tập, một cách đơn lẻ.
Đây là yêu cầu mà mỗi khi tập luyện, bất kể cao thấp, thày giáo thường nêu ra và hướng dẫn mọi người làm theo. Khi vươn duỗi cơ khớp tay chẳng hạn, bắt buộc bạn phải nghĩ đến độ căng của đầu ngón tay, thông nó tới khuỷu, tới vai, thông 2 tay với nhau. Khi xoay hông, cần phải có cảm giác hông động trước, dẫn tới cột sống, tới thân, tới vai, tới từng chi tiết ở tay, tới các khớp đốt ngón tay... với chân, hoặc các chi tiết khác cũng vậy. Cao hơn thì phải cảm nhận được độ "treo" của vai, của tay, độ động, độ tĩnh và phân cấp chuyển động của các vòng cơ thể (khoanh eo, khoanh vai, xương cùng...), rồi độ căng trùng của Đại chùy, Mệnh môn, độ thu hợp của Đan điền. Khi đi quyền lại còn cần cảm nhận độ tĩnh, độ động của từng chi tiết cơ thể, cái gì chính, cái gì phụ, cái chạy trước, cái chạy sau, chạy từ đâu đến đâu, độ căng trùng tương hỗ, như có như không...vvv... Ấy liệt kê là hoàn toàn lý thuyết thôi, bản thân chỉ cảm thấy đôi lúc cảm giác thoáng qua thôi, nhiều khi cứ cố tìm lại mà không thấy, và chỉ có cảm giác ở một vài chi tiết thôi, chưa bao giờ cảm nhận được ở quá 3 nơi cùng 1 lúc.
Khó thế thì biết làm thế nào bây giờ ? Không vội được, đến giờ này thì đã biết tự nhắc mình như vậy. Thời gian công sức bỏ ra chưa đủ thì chẳng nên đòi hỏi cao quá. Cứ tập thêm đi,một lúc nào đó sẽ gặt thành quả thôi. Vậy là cứ tuần tự mà kiểm tra, nào đầu 1 tí - đỉnh đã đẩy lên chưa, cằm thu chưa, cảm giác đầu treo lơ lửng có rồi thì nhớ 1 chút. Sau đó chuyển sự chú ý đến dần các cơ quan khác như vai, tay, ngực, cột sống, hông eo, mông, gối...Từ cao xuống thấp, từ ngoài vào trong. Lúc đầu bắt buộc phải tự kỉ, tự nghĩ ra cảm giác như thày bảo, như quyền luận bảo. Rồi bây giờ cũng thấy là có thật, tuy chỉ mơ hồ, lúc gặp lúc không. Cái cảm giác này khi nói ra có thể không giống nhau giữa người này với người khác, lúc tập này lúc tập khác. Băn khoăn cũng nhiều, nhưng được giải thích là: cơ địa mỗi người mỗi khác, sự tinh tế mỗi người mỗi khác, hoặc yêu cầu mỗi mức tập khác nhau, nay cần cảm nhận thế này, mai lại cần cảm nhận khác đi.Vậy nên thôi chẳng quan tâm lắm đến cái khác biệt ấy, chỉ cố cảm nhận theo chỉ dẫn, mong sau này thành thật. Có thể thực tế cũng không nên cứng nhắc cái cảm giác, vì mỗi động tác mỗi khác, tuy vẫn là cái tay ấy, cái chân ấy. Có lẽ mục đích là cần bản thân có cảm giác về một chi tiết nào đó của cơ thể, cảm nó càng cao càng tốt, rồi sử dụng nó, bắt nó phải đáp ứng yêu cầu cụ thể vào thời điểm cụ thể chứ không cứng nhắc được - Cái gì cũng có tính đa chiều của nó cơ mà !? Đơn cảm giác luyện tập thường xuyên, thành công của nó sẽ tạo thành công cho đa cảm giác sau này.
Tập đơn thức chậm mới là nâng cao cảm giác, tiến bộ rất nhanh.
- Đa cảm giác và cảm giác tổng thể (cũng tự đặt tên): Có thể nói thế này: khi một cái tay giơ lên, cảm nhận được mọi tác động vào nó theo đa hướng, nó sẵn sàng theo ý chí của mình tác động đến bất kỳ hướng nào thì là đạt được độ cảm nhận và điều tiết đa cảm giác (không biết có đúng không !?). Cái này là đích cao nhất của bất kì ai, cũng vì thế nên nó chẳng dễ mà đạt được.
Cảm giác tổng thể thì hơi khác, theo tôi, nó là sự phối hợp của cơ thể. Có thể bạn không diễn giải được, nhưng bạn cảm nhận được sự thư thái của cơ thể, sự trầm ổn, thăng bằng của cơ thể, đặc biệt trong một khoảng thời gian tương đối dài khi bạn trang tĩnh, hay đi quyền, bạn làm chủ được các động tác của bạn, lúc đó bạn đã đạt được một mức chuẩn về tổng thể. Cái cảm giác nó lồng trong sự ổn định ấy, vì nếu không cảm nhận được, bạn không điều chỉnh được, không điều tiết được và bạn không thể trụ lại lâu được. Cảm giác tổng thể là tổng hợp các cảm giác đơn và hệ quả của nó là sự viên mãn khi bạn thể hiện.
- Nhàn đàm:
Trong tập luyện, với các cá nhân khác nhau thì cảm giác, cảm nhận, thành quả đạt được sẽ khác nhau, tuần tự các cảm giác đến với mỗi người không giống nhau. do đó, không tránh được mỗi người sẽ biểu hiện khác nhau, vả lại mỗi người quan điểm khác nhau, tâm tư tình cảm khác nhau, có thể sảy ra tình trạng như mô tả thế này:
Người say mê với thành công của mình, tiếp tục say mê với cách luyện tập thiên về hướng thỏa mãn cái cảm giác đã đạt được ấy. Người thì chuyên tâm thả lỏng, người thì chuyên tâm đến tìm cảm giác khai hợp, lại có người chỉ chăm chú tập bằng kình...Cái này tốt, nên khuyến khích, vì tìm được cảm giác đã khó, nuôi dưỡng cái cảm giác ấy để nó hiển hiện rõ ràng hơn, duy trì lâu hơn, điều tiết được nó lại càng khó. Có được nó, trân trọng nó hoàn toàn tốt. Nhưng hãy bình tâm một chút để nhẩm lại các yếu quyết TCQ. Mỗi cái bạn đạt được chỉ là một cái cần trong nhiều cái cần khác của TCQ mà thôi. Bạn mới có loại cảm giác này, mới đạt cảm giác tại khu vực này, còn loại cảm giác khác. cảm giác ở các khu vực khác, bộ phận khác của cơ thể thì sao ? Đừng chỉ vì 1 cái cần này mà bỏ quên các cái cần khác, sẽ rất phiến diện. Tổng thể hài hòa, tổng thể viên mãn, tổng thể tương tùy, tương hợp, tổng thể như có như không mới thật là đỉnh cao, mới là TCQ. Đừng quá ham vui nơi ngưỡng cửa mà quên đi bữa tiệc chính còn đang đợi mình ở phía trước.
Sức Khỏe, Tri Thức và Nỗ lực tạo Thành Công
Vị Tha để Thanh Thản