
Tiết Điên(1887-1953) là một kỳ nhân Hình Ý Môn. Ông người tỉnh Hà Bắc, huyện Thúc Lộc, ham mê võ thuật từ nhỏ và là đệ tử của Lý Tồn Nghĩa ( Đơn Đao Lý). Ông coi trọng thực chiến, suốt đời mở cửa đón người đến giao đấu.
Tương truyền ngày còn theo học Lý Tồn Nghĩa, Tiết Điên tỷ võ với đồng môn là Phó Xương Vinh và thất thủ. Là một đệ tử đắc ý của Lý Tồn Nghĩa, lại coi trọng thể diện nên Tiết Điên không chịu được mối nhục thất thủ. Ông rời sư môn âm thầm luyện tập trong 10 năm. Sau ngày Lý sư phụ qua đời, ông quay trở về sư môn, đánh bại Phó Xương Vinh (có tài liệu cho rằng Thượng Vân Tường, một đệ tử nổi tiếng khác của Lý Tồn Nghĩa,đã đứng ra hòa giải, tránh việc huynh đệ tương tàn) . Trong đời, Tiết Điên hiếm khi đề cập mình là đệ tử Lý Tồn Nghĩa. Ông nói mình đã ẩn cư tại Ngũ Đài Sơn, theo học với "Hư Vô Thượng Nhân Linh Không Trưởng Lão" . Vị đại sư này tương truyền đã 120 tuổi khi thu nhận Tiết Điên. Một vài nguồn tài liệu thuật rằng sau cuộc tỷ võ thất bại, Tiết Điên đã tìm đến học với cháu nội của Lý Lạc Năng (Tổ Trung hưng của Hình Ý Quyền).
Tiết Điên sau khi tái xuất với võ công tiến bộ vượt bậc được sự ủng hộ của Thượng Vân Tường đã đứng vào vị trí Quán trưởng của Thiên Tân Quốc Thuật Quán. Tiết Điên để lại ba cuốn võ thư: "Hình Ý Quyền Giảng Thuật", "Tượng Hình Quyền Pháp Toàn Chân" và "Linh Không Đại Sư Truyền Điểm Huyệt Thuật". Tất cả đều được xem là những cuốn võ thư quý. Nhiều võ sư từng nhận xét rằng chỉ với cuốn "Tượng Hình Quyền Pháp Toàn Chân", Tiết Điên cũng xứng đáng được tôn là tôn sư khai sáng một môn phái mới. Tuy vậy, Tiết Điên được cho là một người khó gần và không thích dạy võ cho bằng tỷ võ, quá trọng thể diện nên ít có bạn hữu, đệ tử. Ông lại chết khá sớm nên kết cuộc, hầu như không có ai xưng là đệ tử chân truyền của Tiết Điên. Có lẽ, thời ấy, người ta vẫn nặng đầu óc lễ giáo phong kiến, không ưa thái độ thái độ và lối sống của Tiết Điên.
Nhìn những tấm hình chụp ông trong những tư thế của Ngũ Hình Quyền, chỉ còn biết tắc lưỡi thán phục. Mặc dù là hình trắng đen, mờ đi nhiều bởi tháng năm và kỹ thuật in ấn ngày xưa, vẫn thấy hiển hiện nét oai phong, trầm ổn. Quá đẹp !
(Lượm lặt đó đây)